Thứ Ba, Tháng Tư 23

Tổng Hợp Các Câu Hỏi Phỏng Vấn Xuất Nhập Khẩu – Logistics

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng trong ngành xuất nhập khẩu rất cao. Và muốn trở thành một nhân viên xuất nhập khẩu chính thức, bạn phải trải qua nhiều khâu chọn lọc của nhà tuyển dụng, và khó nhất chính là vòng phỏng vấn. Bạn đang loay hoay không biết sẽ gặp những câu hỏi phỏng vấn nào và trả lời như thế nào sao cho nhà tuyển dụng hài lòng và lựa chọn mình.

Bài viết này Tiếp Bước Thành Công sẽ tổng hợp các câu hỏi phỏng vấn xuất nhập khẩu thường gặp và cung cấp những gợi ý trả lời ấn tượng cho bạn, cùng theo dõi ngay nhé!!!

I. Kinh Nghiệm Phỏng Vấn Xuất Nhập Khẩu

Kinh nghiệm phỏng vấn xuất nhập khẩu

Để buổi phỏng vấn xuất nhập khẩu của bạn được thành công và nhận được sự hài lòng từ phía nhà tuyển dụng, trước hết cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng về tinh thần, kỹ năng cũng như vốn kiến thức về xuất nhập khẩu của mình.

Cụ thể như sau:

1. Tinh thần

Hãy luôn chuẩn bị một tinh thần thật tốt cho mình, là sự chuẩn bị từ chính sâu thẳm con người bạn, luôn lạc quan mặc dù chưa biết kết quả phỏng vấn sẽ ra sao.

Điều quan trọng nhất là bạn phải tin vào bản thân, đừng cảm thấy nhụt chí trước bất cứ tình huống nào. Bản thân phải có một tinh thần tốt thì cách hành xử của bạn mới đẹp, và thông thường, các nhà tuyển dụng thường nhìn nhận con người qua cách hành xử của ứng viên để đánh giá thái độ làm việc của bạn. Vì vậy, hãy mặc cho mình một lớp áo tinh thần tự tin và vững vàng nhất nhé.

2. Kiến thức

Để trở thành một nhân viên xuất nhập khẩu chính thức thì bạn sẽ phải trau dồi những kiến thức cơ bản sau:

  • Các công thức tính quan trọng: Tính cước hàng thực tế (Air, FCL, LCL, phụ phí,…)
  • Incoterms: là điều khoản thương mại quốc tế (quan trọng là 4 điều kiện sau: EXW, FOB, CIF, DDP)
  • Cách tra mã HS
  • Thuế xuất/ nhập khẩu và cách tính thuế
  • Những thông tin cơ bản về các loại xe tải: cont 20’ và cont 40’ (kích thước,..)
  • Các loại giấy xuất xứ hàng hóa và cách viết hồ sơ xin C/O
  • Phương thức khai báo tờ khai hải quan, chuẩn bị giấy tờ cần thiết hoàn thiện hồ sơ hải quan.
  • Thông tin cơ bản về các loại vận đơn
  • Quy trình xuất, nhập khẩu hàng hóa qua đường hàng không, đường biến.
  • Danh mục hàng hóa đủ điều kiện xuất nhập khẩu hoặc thuộc danh sách đặc biệt.

Tham khảo:

3. Kỹ năng

Về kỹ năng, hãy thể hiện những kỹ năng cần thiết phục vụ cho vị trí công việc đó như thương lượng, kỹ năng lựa chọn,…

Đặc biệt, nếu bạn tạo cho nhà tuyển dụng ấn tượng về sự minh bạch, tính trung thực trong công việc của bản thân, đây sẽ là điểm nhấn lớn giúp bạn ăn điểm trong mắt họ. Ngoài ra, để nhà tuyển dụng có thiện cảm với bạn thì việc tạo được phong cách riêng, thần thái tốt, sự nhanh nhẹn, tinh thần cầu tiến,… rất quan trọng.

Hơn nữa, nhiều công ty xuất nhập khẩu, họ yêu cầu ngoại ngữ trong quá trình làm việc, vì vậy, khi phỏng vấn có thể họ sẽ hỏi một số câu hỏi tiếng anh để đánh giá năng lực ngoại ngữ của bạn. Hãy trau dồi vốn ngoại ngữ và kiến thức tiếng anh xuất nhập khẩu – logistics để buổi phỏng vấn thật suôn sẻ nhé.

4. Tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp và vị trí bạn ứng tuyển

Các ứng viên sẽ được đánh giá cao hơn khi tìm hiểu kỹ về vị trí công việc xuất nhập khẩu cũng như một số thông tin quan trọng về doanh nghiệp đó.

Những thông tin hiểu biết về doanh nghiệp đó thường dừng lại ở mức cơ bản như lịch sử hình thành, logo, sứ mệnh, slogan,… Hơn nữa, việc bạn am hiểu về vị trí công việc ứng tuyển cho thấy được sự quan tâm thật sự đến công việc đó.

Bên cạnh đó, hãy tranh thủ rèn luyện các kỹ năng khác để bản thân được hoàn thiện hơn trước khi bắt đầu phỏng vấn.

5. Sự chuyên nghiệp

Một cuộc phỏng vấn không đủ để nhà tuyển dụng đánh giá hết con người bạn, vì thế các nhà tuyển dụng sẽ quan sát từng hành động, cử chỉ nhỏ nhất của bạn, họ cho rằng phong cách khi làm những việc nhỏ cũng chính là cách bạn thực hiện những công việc lớn.

Bởi thế, hãy thể hiện thật chuyên nghiệp để ăn điểm phong cách làm việc trong mắt nhà tuyển dụng:

  • Tuyệt đối không đến muộn
  • Chăm chút ngoại hình lịch sự
  • Chuẩn bị một sức khỏe tốt
  • Ngoại ngữ tốt
  • Không chỉ trả lời những câu hỏi nhà tuyển dụng đặt ra, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi ngược lại cho họ.
  • Khi kết thúc buổi phỏng vấn xuất nhập khẩu, hãy viết một bức thư cảm ơn ngắn gọn gửi cho nhà tuyển dụng: Nội dung của bức thư thể hiện thái độ biết ơn của bạn, qua đây cũng thể hiện phép lịch sự của bạn, tạo được ấn tượng nhât định với nhà tuyển dụng.

II. Tổng Hợp Câu Hỏi Phỏng Vấn Xuất Nhập Khẩu – Logistics

Phỏng vấn xuất nhập khẩu

Sau màn chào hỏi với phần giới thiệu bản thân và những câu hỏi phỏng vấn cơ bản thì nhà tuyển dụng bắt đầu đi vào những câu hỏi về chuyên ngành xuất nhập khẩu.

Dưới đây các câu hỏi về xuất nhập khẩu thường gặp:

1. Câu hỏi phỏng vấn nhân viên xuất nhập khẩu

#1. Nhân viên xuất nhập khẩu sẽ phải làm những công việc gì?

Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhân viên xuất nhập khẩu chính là theo dõi các đơn hàng, các đợt giao hàng, các loại hàng hóa đang được vận chuyển,… sau đó hoàn thành hồ sơ, các loại chứng từ hải quan, trong trường hợp có vấn đề phát sinh, cần nắm bắt để xử lý kịp thời. Thời gian xử lý vấn đề càng nhanh thì càng hạn chế được rủi ro, tài chính. Ngoài ra, công việc này phải làm việc thường xuyên với khách hàng thông qua email hoặc các phương tiện liên lạc khác, giải đáp các thắc mắc của khách hàng để khách hàng nắm rõ các thông tin cụ thể về đơn hàng của mình. Điều quan trọng và cần thiết là bạn hãy nhấn mạnh với nhà tuyển dụng là luôn có sẵn danh sách những việc cần làm để thực hiện công việc hiệu quả nhất.

#2. Theo bạn, làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có bắt buộc phải giỏi ngoại ngữ hay không?

Khi làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đa phần các đối tác và khách hàng của công ty hay doanh nghiệp bạn là người nước ngoài. Vì vậy, yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên ngành này là phải giỏi ngoại ngữ. Khi được hỏi câu này, bạn không chỉ trả lời là có, mà hãy trình bày lý do vì sao phải có năng lực ngoại ngữ tốt đồng thời trình bày về quá trình rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ của bản thân.

#3. Vì sao bạn lựa chọn làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu?

Đây là một câu hỏi rất phổ biến mà bất cứ ứng viên tuyển dụng ngành xuất nhập khẩu đều gặp khi phỏng vấn. Hãy trả lời theo hướng sau: Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng cũng như học hỏi các kiến thức về xuất nhập khẩu, logistics, bạn cảm thấy bản thân có kiến thức, các kỹ năng cũng như kinh nghiệm, sự am hiểu phù hợp với yêu cầu của nghề này. Bạn có thể trình bày những phân tích của bản thân trên nhiều khía cạnh để nhà tuyển dụng hiểu hơn về bạn, cảm thấy được sự phù hợp của bạn với nghề xuất nhập khẩu ra sao như tính cách, kỹ năng, kinh nghiệm,…

#4. Bạn đã từng giải quyết vấn đề phát sinh trong công việc của mình chưa?

Những câu hỏi về kinh nghiệm làm việc nhằm mục đích xác định khả năng xử lý tình huống của bạn trong công việc cũng được các nhà tuyển dụng sử dụng nhiều nhất. Để trả lời, hãy đưa ra một số trường hợp cụ thể mà bản thân đã trải qua cùng với cách giải quyết của bản thân phù hợp với hoàn cảnh đó. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, có thể lấy một trường hợp giả định mà mình có thể gặp khi làm trong lĩnh vực này. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những ứng viên có câu trả lời thật chi tiết, phù hợp với hoàn cảnh. hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp đó.

2. Câu hỏi phỏng vấn nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu

#1. Vì sao bạn chọn công việc Nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu (Why are you interested in this import-export job?)

Đây là một trong những câu hỏi thường gặp nhất của các các nhân viên ứng tuyển vào vị trí công việc Nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu khi được phỏng vấn. Bạn có thể trả lời rằng: Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này, và sau những trải nghiệm khảo sát thực tế, tôi thấy bản thân phù hợp với nghề nghiệp này. Tuy nhiên, để hoàn toàn thuyết phục nhà tuyển dụng, bạn cần giải thích lý do tại sao Nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu lại là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. Hãy phân tích các khía cạnh khác nhau của nghề nghiệp này như sự phù hợp của bạn về tính cách, kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp.

#2. Bạn có những kỹ năng nào phù hợp với vị trí Nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu?

Khi trả lời câu hỏi này, bạn hãy thật tự tin, trình bày những kỹ năng của bản thân phù hợp với vị trí công việc bạn ứng tuyển. Có thể tham khảo những gợi ý sau đây để phát triển câu trả lời: “Tôi được học chuyên ngành Thương mại quốc tế tại trường đại học, được đào tạo bài bản những kỹ năng chuyên môn về ngành nghề xuất nhập khẩu. Hơn nữa, sau vài tháng thực tập tại công ty . đã giúp tôi xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc về hệ thống giao thương quốc tế. Vì vậy, tôi có thể hiểu ẽo quy định cũng như cách làm việc với các đối tác trong quy trình xuất nhập khẩu một cách dễ dàng. Ngoài ra, tôi đã sử dụng thành thạo các phần mềm khai báo hải quan trực tuyến. Mặc dù với vị trí công việc này chưa có kinh nghiệm nhiều, nhưng với kỹ năng và kiến thức quan trọng bản thân nắm vững, tôi tự tin mình phù hợp.

#3. Để đảm bảo tính chính xác của chứng từ xuất nhập khẩu bạn sẽ làm gì?

Nhà tuyển dụng của bạn hỏi ứng viên câu hỏi này để tìm hiểu rõ hơn hơn về các kỹ năng chuyên ngành xuất nhập khẩu của bạn. Bạn có thể tham khảo các gợi ý trả lời sau: “Đầu tiên tôi kiểm tra các chứng từ cần thiết có liên quan, mục đích và nội dung của chúng. Sau khi nhận được file, kiểm tra xem những chứng từ đó có hợp pháp và chính xác hay chưa.Nếu phát hiện ra bất ký sai sót nào, thông báo ngay cho đối tác để họ kịp thời khắc phục. Sau khi xem xét thông tin chứng từ, để đảm bảo tính chính xác và thống nhất của toàn bộ chứng từ sẽ đối chiếu các chứng từ khác nhau đó.

#4. Nếu doanh nghiệp yêu cầu mã HS thấp, không đúng với thực tế hàng hóa thì bạn sẽ làm gì? Làm thế nào để lựa chọn nhà cung cấp uy tín và mua hàng với giá cả hợp lý nhất?

Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết được khả năng xử lý vấn đề của ứng viên qua kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành về xuất nhập khẩu. Bạn có thể tham khảo câu trả lời sau: “Việc đầu tiên cần làm là kiểm tra việc sử dụng mã HS của doanh nghiệp đó có chính xác hay không. Những thông tin cần kiểm tra gồm mã sản phẩm, nhà sản xuất (tên công ty, lĩnh vực hoạt động, sản phẩm), thông số kỹ thuật, tính năng, đơn giá, mã HS tương đương trên thị trường. Nếu công ty đang sử dụng sai mã HS, tôi sẽ sử dụng chuyên môn của mình để chứng minh rằng tờ khai hải quan của tôi là phù hợp và đàm phán thương lượng công ty đó thay đổi mã HS. “

3. Câu hỏi phỏng vấn nhân viên thường gặp khác

  1. Giới thiệu đôi nét về bản thân.
  2. Những thành tựu trong công việc bạn đã đạt được?
  3. Bạn sẽ xử lý như thế nào khi gặp những vấn đề khó khăn?
  4. Nếu đã từng làm công việc quản lý chuyển giao hàng hóa, bạn có thể chia sẻ một số kinh nghiệm không?
  5. Bạn có áp dụng khoa học công nghệ vào công việc của mình hay không? Lợi ích công nghệ mang lại cho công việc xuất nhập khẩu là gì?
  6. Bạn đã từng thương lượng thành công với nhà cung cấp hoặc khách hàng để cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng hay chưa?
  7. Theo bạn, những kỹ năng cần thiết cho lĩnh vực xuất nhập khẩu?
  8. Khi trở thành nhân viên trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bạn sẽ thường xuyên phải tăng ca. Vậy bạn có thể chịu được áp lực không?
  9. Vì sao bạn biết đến công ty của chúng tôi để ứng tuyển?
  10. Mục tiêu trong 5 năm tới của bạn là gì?
  11. Hãy trình bày một vài lý do vì sao công ty chúng tôi nên lựa chọn bạn .

4. Các câu hỏi tiếng anh về xuất nhập khẩu thường gặp:

– What is your biggest weakness for the position of import-export officer? (Điểm yếu lớn nhất của anh/ chị cho vị trí nhân viên xuất nhập khẩu là gì?)

– What experience do you have in this field as an import-export officer? (Bạn có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với tư cách là một nhân viên?)

– What are the roles and responsibilities of an import-export officer? (Vai trò và trách nhiệm của nhân viên xuất nhập khẩu là gì?)

– What have you done to improve your import – export knowledge in the past year? (Bạn đã làm gì để nâng cao kiến thức cho ngành xuất nhập khẩu của mình trong năm vừa qua?)

– Why do you pursue the import-export industry? (Tại sao bạn lại lựa chọn theo đuổi ngành xuất nhập khẩu?)

Bài viết trên đây là tổng hợp những câu hỏi phỏng vấn xuất nhập khẩu thường gặp. Dù là bất cứ lĩnh vực nào thì khi đi phỏng vấn, hãy chuẩn bị cho mình một tâm lý thật vững vàng, tự tin để có thể ứng biến, hành xử một cách thật khôn ngoan và khéo léo trước những thử thách của nhà tuyển dụng.

Và trước khi tham gia phỏng vấn, đừng quên đừng quên lưu lại các câu hỏi phỏng vấn cơ bản cần thiết này nhé! 

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *